Kinh tế Afghanistan

Bài chi tiết: Kinh tế Afghanistan

Afghanistan là một nước rất nghèo, một trong những nước nghèo và kém phát triển nhất thế giới. Hai phần ba dân số nước này sống với chưa đến 2 dollar Mỹ một ngày. Nền kinh tế đã phải chịu rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ tình trạng bất ổn chính trị và quân sự từ cuộc chiến tranh xâm lược của Xô viết từ năm 1979 và những cuộc xung đột tiếp sau đó, ngoài ra tình trạng hạn hán nặng nề cũng gây rất nhiều khó khăn cho đất nước này trong giai đoạn 1998-2001.[62][63] Tính đến năm 2016, GDP của Afghanistan đạt 18.395 USD, đứng thứ 114 thế giới, đứng thứ 36 châu Á và đứng thứ 6 Nam Á.

Dân số tham gia tích cực vào hoạt động kinh tế năm 2002 khoảng 11 triệu người (trong tổng cộng khoảng 29 triệu). Tuy không có con số chính thức về tỷ lệ thất nghiệp, ước tính khoảng 3 triệu người, và dường như tăng thêm khoảng 300.000 người mỗi năm.[64]

Tuy nhiên, Afghanistan đã đạt được mức hồi phục và tăng trưởng kinh tế đáng khâm phục từ năm 2002. Giá trị GDP thực, không tính thuốc phiện, đã tăng 29% năm 2002, 16% năm 2003, 8% năm 2004 và 14% năm 2005.[65] Một phần ba GDP Afghanistan có từ hoạt động trồng cây anh túc và buôn bán trái phép các loại chất có nguồn gốc hay có dẫn xuất từ thuốc phiện, morphineheroin, cũng như sản xuất hashish.[47]

Một lợi thế khác, những nỗ lực quốc tế nhằm tái thiết Afghanistan đã dẫn tới sự thành lập Chính quyền Lâm thời Afghanistan (AIA), kết quả của Thỏa thuận Bonn tháng 12 năm 2001 Bonn, và sau đó là Hội nghị các Nhà tài trợ cho việc Tái thiết Afghanistan tại Tokyo năm 2002, với 4,5 tỷ dollar được hứa hẹn tài trợ và số vốn này sẽ được Nhóm Ngân hàng Thế giới quản lý. 4 tỷ dollar khác cũng được hứa hẹn cho vay năm 2004 và tiếp đó là 10,5 tỷ dollar đầu năm 2006 tại Hội nghị Luân Đôn.[66] Đầu năm 2007, 11,6 tỷ dollar đã được cam kết tài trợ cho nước này từ riêng Hoa Kỳ. Những lĩnh vực được ưu tiên tái thiết gồm việc tái xây dựng hệ thống giáo dục, sức khoẻ, các cơ sở y tế, tăng cường năng lực quản lý hành chính, phát triển lĩnh vực nông nghiệp và tái thiết đường sá, năng lượng và viễn thông.

Theo một bản báo cáo năm 2004 của Ngân hàng Phát triển châu Á, nỗ lực tái thiết hiện tại tập trung vào hai hướng: thứ nhất chú trọng tái thiết các cơ sở hạ tầng quan trọng và thứ hai, xây dựng các cơ sở hiện đại trong lĩnh vực công cộng từ những tàn dư của kiểu kế hoạch hóa Xô viết sang kiểu hướng mạnh vào phát triển kinh tế thị trường.[64] Năm 2006, hai công ty Hoa Kỳ, Black & Veatch và Louis Berger Group, đã thắng một hợp đồng trị giá 1,4 tỷ dollar xây dựng lại đường sá, các hệ thống cung cấp điện nước cho Afghanistan.[67]

Một trong những định hướng chính của việc khôi phục kinh tế hiện nay là hồi hương cho hơn 4 triệu người tị nạn từ các quốc gia và phương Tây, những người sẽ mang theo về nguồn nhân lực mới, mối quan hệ, tay nghề cũng như nguồn vốn cần thiết cho việc khởi động lại nền kinh tế. Một yếu tố tích cực khác là con số viện trợ từ 2 đến 3 tỷ dollar mỗi năm từ cộng đồng quốc tế, việc hồi phục một phần lĩnh vực nông nghiệp, và việc tái xây dựng các định chế kinh tế. Những kế hoạch phát triển khu vực tư nhân cũng đang được tiến hành. Năm 2006, một gia đình người Afghanistan tại Dubai đã mở một nhà máy đóng chai Coca Cola trị giá 25 triệu dollar tại Afghanistan.[68]

Con số thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này hiện được bù đắp phần lớn bởi khoản tiền từ các nhà tài trợ, chỉ một phần nhỏ – khoảng 15% – được lấy từ ngân sách chính phủ. Số còn lại được chia cho các khoản chi tiêu không thuộc ngân sách và những dự án do nhà tài trợ chỉ định thông qua hệ thống Liên hiệp quốc và các tổ chức phi chính phủ. Chính phủ có một quỹ trung ương chỉ 350 triệu dollar năm 2003 và ước tính đạt 550 năm 2004. Tổng dự trữ ngoại tệ quốc gia khoảng 500 triệu dollar. Nguồn thu đa số từ hải quan, bởi các nguồn thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp rất nhỏ nhoi.

Lạm phát từng là vấn đề nghiêm trọng tại nước này trước năm 2002. Tuy nhiên, việc hạ giá đồng Afghani năm 2002 sau khi đồng tiền mới được đưa vào lưu hành (1.000 Afghani cũ tương đương 1 Afghani mới) cộng với tình trạng ổn định hơn so với trước kia đã giúp giá cả ổn định và thậm chí giảm bớt trong giai đoạn tháng 12 năm 2002 và tháng 2 năm 2003, phản ánh sự ưa thích với đồng Afghani mới. Kể từ đó, chỉ số lạm phát đã trở nên ổn định, hơi tăng vào cuối năm 2003.[64]

Chính phủ Afghanistan và các nhà tài trợ quốc tế dường như muốn chú trọng vào cải thiện các lĩnh vực nhu cầu then chốt, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, nhà ở và cải cách kinh tế. Chính phủ trung ương cũng tập trung vào việc cải thiện tình trạng lỏng lẻo trong chi trả lương và chi tiêu công cộng. Việc tái thiết lĩnh vực tài chính dường như cần một thời gian lâu dài để đạt tới thành công. Hiện tiềm có thể được chuyển ra và vào đất nước thông qua các kênh ngân hàng chính thức. Từ năm 2003, hơn mười bốn ngân hàng mới đã được thành lập trong nước, gồm cả Standard Chartered Bank, Afghanistan International Bank, Kabul Bank, Azizi Bank, First MicroFinanceBank, và các ngân hàng khác. Một luật mới về đầu tư tư nhân đã quy định khoảng thời gian ưu đãi thuế từ ba tới bảy năm cũng như khoảng thời gian bốn năm miễn trừ thuế xuất khẩu nhằm khuyến khích các công ty.

Afghanistan là một thành viên đầy đủ của Tổ chức hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) và Tổ chức hợp tác kinh tế (ECO), các tổ chức khu vực, cũng như Tổ chức hội nghị Hồi giáo.

Kế hoạch trị giá chín tỷ dollar nhằm phát triển Kabul thành một đô thị hiện đại tương lai, Thành phố ánh sáng.

Một số dự án đầu tư tư nhân, với sự hỗ trợ của nhà nước, cũng đang hình thành tại Afghanistan. Một bản thiết kế ý tưởng ban đầu được gọi là Thành phố ánh sáng, do Tiến sĩ Hisham N. Ashkouri, Giám đốc ARCADD, Inc. đề xuất cho một dự án phát triển và thực hiện dựa trên cơ sở đầu tư hoàn toàn tư nhân đã được đề xuất với mục tiêu hình thành một khu đa chức năng thương mại, lịch sử và phát triển văn hóa bên trong Thành phố Cổ Kabul dọc bờ nam Sông Kabul và dọc Đại lộ Jade Meywand,[69] đem lại sức sốc mới cho một trong những khu vực thương mại và lịch sử quan trọng nhất bên trong Thành phố Kabul, với nhiều thánh đường và lăng mộ lịch sử cũng như các khu vực hoạt động thương mại đã bị tàn phá trong chiến tranh. Trong bản thiết kế này cũng bao gồm một phức hợp cho Bảo tàng Quốc gia Afghanistan.

Tuy những dự án đó sẽ giúp xây dựng lại một cơ sở căn bản của quốc gia trong tương lai, hiện tại, một nửa dân số vẫn phải sống trong tình trạng thiếu lương thực, quần áo, nhà cửa và các vấn đề khác do các hoạt động quân sự và sự bất ổn chính trị gây ra. Chính phủ không đủ mạnh để thu thuế và phí từ tất cả các tỉnh vì tình trạng lãnh chúa địa phương. Tình trạng gian lận lừa đảo và "tham nhũng xuất hiện trong hàng loạt tổ chức chính phủ Afghanistan.[70]

Điều tốt lành với Afghanistan là nước này có tiềm năng để nhanh chóng thoát khỏi tình trạng nghèo đói để trở thành một quốc gia ổn định. Nhiều bản báo cáo cho thấy đất nước sở hữu nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản quan trọng, có giá trị trên thị trường thế giới. Theo Nghiên cứu của US Geological và Bộ Công nghiệp và Mỏ Afghanistan, nước này có thể sở hữu tới 36 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên, 3,6 tỷ barrel dầu mỏ và tới 1.325 triệu barrel khí gas hóa lỏng. Điều này có thể đánh dấu bước ngoặt trong những nỗ lực tái thiết Afghanistan. Xuất khẩu dầu mỏ có thể mang lại nguồn thu Afghanistan cần để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và mở rộng các cơ hội kinh tế cho đất nước.[32] Những báo cáo khác cho rằng nước này có khá nhiều nguồn tài nguyên vàng, đồng, than, quặng sắt và các khoáng sản giàu khác.[31][33]